La Samaritaine, viên ngọc quý bên bờ sông Seine

La Samaritaine, viên ngọc quý bên bờ sông Seine

La Samaritaine, viên ngọc quý bên bờ sông Seine

Posted on: 02/02/2024

Khi nghe đến cái tên La Samaritaine, người dân Paris trước đây đều biết đến trung tâm mua sắm lớn vào bậc nhất ở Paris. La Samaritaine là một cửa hàng nằm bên bờ sông Seine, nơi đây người ta có thể tìm thấy tất cả mọi thứ:

Những bộ trang phục đẹp nhất, những chiếc túi thời trang, những bộ bàn ghế đắt tiền, những chiếc gương, những tấm ga trải giường đẹp... Trước những năm 70 của thế kỷ XX, người dân Paris thường có thói quen đến La Samaritaine mua đồ bởi vì người ta tìm thấy mọi thứ ở đây.

La Samaritaine, di sản văn hoá của Paris

Lịch sử của La Samaritaine bắt đầu vào năm 1870, khi Ernest Cognacq cùng vợ là Marie-Louise Jaÿ mở một cửa hàng ở góc đường la Monnaie, bên cạnh cầu Neuf. Nơi đây, có rất nhiều người qua lại vì cửa hàng ở ngay trung tâm Paris. Ernest Cognacq kinh doanh nhiều mặt hàng để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của người dân Paris.

Là người buôn bán giỏi, Ernest Cognacq không ngừng mở rộng diện tích của cửa hàng, ông mua lại toàn bộ những ngôi nhà xung quanh, để xây một cửa hàng lớn. Ban đầu, La Samaritaine có diện tích 50 m vuông, với thời gian La Samaritaine đã trở thành một cửa hàng lớn nhất Paris với diện tích 50 000 m vuông. Người ta kể rằng Ernest Cognacq và Marie-Louise Jaÿ bận đến mức không bao giờ có thời gian ăn trưa cùng nhau vì luôn cần ít nhất một người có mặt ở cửa hàng.

La Samaritaine không những là cửa hàng lớn nhất Paris nơi mà người ta tìm thấy tất cả mọi thứ từ cây kim sợi chỉ, đến những bộ quần áo mẫu mới nhất hay những lọ nước hoa sang trọng, La Samaritaine còn là di sản văn hoá của Paris với cách thức trang trí theo nghệ thuật kiểu mới của thời kì tươi đẹp, (Phong cách kiến trúc vào cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX).

Kiến trúc sư Frantz Jourdain là tác giả đầu tiên của cửa hàng La Samaritaine. Ông muốn thể hiện phong cách của thời kì mình đang sống. Ông sử dụng những khối thép lớn theo phong cách Eiffel để làm khung. Ông thiết kế nhiều khung kính để tận dụng tối đa ánh sáng mặt trời. Trên tường, ông dùng những gam màu xanh và màu vàng thể hiện qua những bức vẽ trang trí hoa lá. La Samaritaine trở thành công trình kiến trúc lộng lẫy như một cũng điện theo nghệ thuật kiểu mới.

Năm 1926, kiến trúc sư Henri Sauvage tiếp túc trang trí cho toà nhà, đặc biệt là tầng 5 nhìn ra sông Seine. La Samaritaine càng ngày càng thu hút người dân Paris. Họ đến mùa sắm và thăm quan nơi này.

La Samaritaine, điểm hẹn của người dân Paris và du khách

La Samaritaine, trung tâm mua sắm thanh lịch bậc nhất ở Paris vào thời kỳ giữa hai cuộc chiến thế giới. Doanh thu ở đây đạt hơn 1 tỉ Francs mỗi năm. Gần như tất cả người dân Paris, ai cũng đến đây. Vào dịp Giáng Sinh hay năm mới, La Samaritaine vui như ngày hội. Mỗi người đều tìm thấy những thứ mình muốn ở đây. Những đứa trẻ có những kỉ niệm với La Samaritaine: Những bộ quần áo mới, hộp chocola, đồ chơi...được cha mẹ mua ở đây và tặng cho chúng vào dịp sinh nhật hay ngày lễ. Khi nhắc đến cái tên La Samaritaine, nhiều người dân Paris không thể quên được.

Sau khoảng 100 năm phát triển mạnh mẽ, La Samaritaine bắt đầu gặp nhiều khó khăn, khi phải cạnh tranh với nhiều cửa hàng lớn mới xuất hiện ở Paris. Vào những năm 70, thói quen mua sắm của người tiêu dùng bắt đầu thay đổi, La Samaritaine không còn đông đúc như trước, cửa hàng đã phải đóng cửa một thời gian để tu sửa.

Từ 2005, người ta bắt đầu trùng tu lại toà nhà này. Sau 16 năm, La Samaritaine chính thức được mở cửa trở lại từ tháng 06 năm 2021. LVMH của tỉ phú Bernard Arnaud đã đầu tư 750 triệu euro để mang lại sức sống mới cho cửa hàng. Kiến trúc cũ và nghệ thuật trang trí kiểu mới thời kỳ đầu thế kỷ XX được giữ nguyên. Một toà nhà kính mang phong cách hiện đại kết hợp hài hòa với lối kiến trúc cũ được xây dựng ở đây. Với diện tích 20 000 m vuông, cùng một khách sạn 5 sao, một trường mẫu giáo và nhà ở xã hội, La Samaritaine vẫn giữ phong cách kiến trúc đầu thế kỷ XX kết hợp hài hòa với lối kiến trúc hiện đại. Mấy trăm gian hàng với 600 thương hiệu, trong đó có những mác thời trang nổi tiếng như Louis Vuitton, Chanel, Gucci, Prada...Những sản phẩm nước hoa, các loại rượu vang Pháp... đều được bán ở đây. La Samaritaine là nơi mua sắm sang trọng.

La Samaritaine, cửa hàng có vị trí đắc địa giữa Paris

La Samaritaine là một công trình kiến trúc đẹp, được xếp hạng di sản văn hoá của Paris. Người dân Paris và du khách tìm thấy nhiều thứ hấp dẫn ở đây. Ngày lối vào toà nhà, quý khách sẽ nhìn thấy tấm biển ghi dòng chữ: "Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và chủ hãng Louis Vuitton Bernard Arnaud đã khánh thành công trình này năm 2021". Sau 16 năm tu sửa, toà nhà khang trang hơn, người dân Paris và du khách có dịp trở lại trung tâm mua sắm với truyền thống 150 năm. Trên tầng 5, quý khách có thể uống cà phê và ăn trong một nhà hàng lớn nhìn ra bờ sông Seine. Khi thưởng thức một cốc rượu Champagne hay một lý cà phê, quý khách có thể ngắm nhìn những bức vẽ nhiều màu sắc, những bức tranh về thiên nhiên được mạ vàng. Ở đây, người ta còn tổ chức các triển lãm ảnh nghệ thuật.

La Samaritaine cũng là một tác phẩm nghệ thuật hoàn hảo. Nếu có dịp đến Paris, sau khi tham quan tháp Eiffel, Nhà thờ Đức Bà, Khải Hoàn Môn, đại lộ Champs-Élysées, cung điện Versailles... Quý khách còn thời gian, hãy đến La Samaritaine, một di sản văn hóa được nhà nước xếp hạng, một trung tâm mua sắm uy tín.

La Samaritaine có vị trí tuyệt đẹp giữa kinh đô ánh sáng. Toà nhà nằm ở quận nhất, bên cạnh cầu Neuf, (cây cầu cổ nhất bắc qua sông Seine được xây dựng từ năm 1601, dưới thời vua François đệ nhất). La Samaritaine cách khu phố Latin và Nhà thờ Đức Bà khoảng 1 km, cách bảo tàng Louvre khoảng 400 m. Ngay cạnh La Samaritaine, đó là trụ sở của Louis Vuitton, phía xa là Châtelet Les Hall, khu nhà ga lớn với hệ thống tàu điện ngầm, tàu RER đi khắp Paris và ngoại thành.

Tôi có dịp đến La Samaritaine nhiều lần. Lần thứ ba đến đây cùng gia đình, tôi gặp Long, một người Việt làm việc ở đây. Anh là người nhiệt tình, dễ mến. Anh đưa tôi đi thăm quan và giới thiệu về cửa hàng. Long học về công nghệ thông tin và về quản lý. Hiện nay, anh trở thành đại diện cho thị trường Việt Nam ở đây. Long là người Việt duy nhất làm việc ở đây nên anh khá bận vì các đoàn khách Việt Nam bắt đầu biết đến nơi này.

Người Việt không thích ồn ào. Họ chọn La Samaritaine vì ở đây yên tĩnh. Hơn nữa, họ có thể mua được các sản phẩm hàng hiệu mà họ thích. Quan sát Long giới thiệu về La Samaritaine, tôi đi thêm một vòng và gặp mấy gia đình người Việt đến đây. Tôi thấy vui vì những năm gần đây người Việt xuất ngoại ngày càng đông. Điều này khẳng định mức sống của nhiều người tốt hơn trước, họ có cơ hội đi du lịch để trải nghiệm và tìm hiểu thêm những nền văn hóa mới.

Người Việt đang hoà nhập khá nhanh với thế giới. Người Việt biết giữ bản sắc văn hoá tốt đẹp của mình và học thêm được những cái hay, cái đẹp từ bên ngoài.

BACH - Tour manager