Bức tượng la Pietà - Đức mẹ sầu bi
Posted on: 02/02/2024
La Pietà (Đức mẹ sầu bi) là tác phẩm điêu khắc tiêu biểu của thời kì văn hóa phục hưng ở Ý. Bức tượng này được coi là kiệt tác nghệ thuật nổi tiếng nhất ở thủ đô Rome.
Tác phẩm đã đem lại vinh quang cho Michel-Ange khi ông chưa đầy 25 tuổi. Có thể khẳng định la Pieta là đứa con tinh thần mà Michel-Ange tâm đắc nhất vì đây là bức tượng duy nhất ông đã khắc tên của mình lên đó để bảo vệ quyền tác giả của mình. Theo gương của Michel-Ange sau này các họa sĩ, các nhà điêu khắc đều có thói quen kí tên mình lên tác phẩm nghệ thuật do họ sáng tạo.
La Pietà được Đức hồng y người Pháp tên là Jean Bilhères de Lagraulas thuê Michel-Ange tạc vào năm 1498. Vị cha sứ này là đại sứ Pháp tại tòa thánh Vatican, ông mong muốn sẽ có một bức tượng thật đẹp thể hiện đức tin tôn giáo, để trang trí ở nhà nguyện Santa Petronilla, nơi tưởng niệm vua Charles VIII. Chưa đầy một năm, vào mùa xuân năm 1499, Michel-Ange đã hoàn thành bức tượng. La Pietà miêu tả cảnh Đức mẹ Marie bế trên tay chúa Jésus, sau khi Jésus được đưa xuống khỏi cây thập giá. La Pietà miêu tả nỗi đau của người mẹ mất con, đây là chủ đề tôn giáo đã được nhiều nghệ sĩ thực hiện. Riêng bản thân Michel-Ange, ông đã tạc đến 4 bức tượng la Pietà, hiện đang được trưng bày trong các bảo tàng ở Ý. Tuy nhiên, bức tượng này có những nét rất riêng so với nhiều tác phẩm điêu khắc, hội họa khác khi cùng sáng tạo về một chủ đề.
Tác phẩm Đức Mẹ Sầu Bi - La Pietà (Sưu tầm)
Michel-Ange thể hiện hình tượng Marie, một thiếu nữ 16 tuổi có khuôn mặt dịu dàng và bình thản đang bế trên tay Jésus, người con trai đã chết của mình. Khi Jésus bị đóng đinh và chết trên cây thập giá, khi đó Jésus đã 33 tuổi. Tay phải của Marie đang dùng lực để ôm con vào lòng, thể hiện tình mẫu tử, tay trái buông thõng xuống thể hiện sự dâng hiến, sự tha thứ của người mẹ mất con vì mục đích cứu rỗi con người. Jésus nằm bất động, như đang ngủ thiếp đi và chờ đợi đến ngày phục sinh để về trời. Khuôn mặt của hai nhân vật trong bức tượng không thể hiện nỗi đau, nhưng thể hiện sự bình thản và đón nhận những biến cố đã xảy đến. Marie là người đồng trinh nên được Michel-Ange miêu tả vẻ đẹp thanh tú và thơ ngây của người thiếu nữ 16 tuổi, như khi nhận được tin của thiên thần Saint-Michel báo rằng bà sẽ có thai và sinh hạ được một đấng cứu thế. Michel-Ange cho rằng người phụ nữ đồng trinh phải là người trẻ trung trong khi đó Jésus là người con lại có khuôn mặt già hơn người mẹ. Ông chú ý thể hiện vẻ đẹp của con người hơn là miêu tả sự đau khổ.
Khi la Pietà được hoàn thành, rất đông công chúng ở Rome đã đến xem, họ tỏ ra ngạc nhiên vì sự hoàn hảo của bức tượng, có người đã tỏ ra nghi ngờ về tác giả thật của tác phẩm, vì khi đó Michel-Ange mới ở độ tuổi 24. Giorgio Vasari một danh họa đương thời đã trầm trồ thán phục tài năng của Michel-Ange.
Một tác phẩm được hoàn thành trong vòng chưa đầy một năm, được trạm khắc từ một khối đá cẩm thạch duy nhất bởi đôi bàn tay tài năng của Michel-Ange, quả là đáng khâm phục. Sau này chính Michel-Ange phát biểu về tác phẩm của mình : "Tôi nhìn thấy một thiên thần trong khối đá, tôi đục đẽo nó, để thiên thần ấy xuất hiện".
Sau khi bức tượng được hoàn thành và được trưng bày tại thánh đường Saint-Pierre, Michel-Ange được người dân Florence mời trở lại quê hương để tạc bức tượng David. Tác phẩm này thể hiện trí tuệ và sức sống mới của nền dân chủ ở Florence. Trước khi chia tay Rome, ông đã hòa mình vào đám đông để ghé thăm đứa con tinh thần của mình. Ông đã nghe thấy hai người nói chuyện và một người trong số họ khẳng định đó không phải là tác phẩm của Michel-Ange mà là của một người khác. Ngay đêm hôm đó, Michel-Ange lặng lẽ đi vào tòa thánh. Ông mang theo các dụng cụ để trạm khắc, ông đã cắm một ngọn nến lên vành mũ của mình và làm việc suốt đêm. Ông muốn khẳng định mình chính là tác giả của la Pietà. Ông đã khắc dòng chữ lên viền áo của tượng Marie : "Michel-Ange Bonarotus người Florence đã làm ra bức tượng này".
Chân dung Michel-Ange (Sưu tầm)
Michel-Ange trở thành thiên tài trong cả ba lĩnh vực : Kiến trúc, hội họa, điêu khắc. Hàng nghìn người mỗi ngày xếp hàng để có dịp được ngắm nhìn chân dung của gần 500 nhân vật trong bức tranh rộng lớn có tên "Lời phán xét cuối cùng" ở nhà nguyện Sixtine, đây là bức tranh lớn nhất của Michel-Ange được đức giáo hoàng giao trực tiếp tin tưởng giao cho ông. Giáo hoàng cũng thường xuyên đến kiểm tra công việc của ông. Michel-Ange đã dành phần lớn thời gian và sức lực của người nghệ sĩ để hoàn thành công trình đồ sộ này ở nhà nguyện Sixtine. Những bức vẽ trên vòm của ông đã trở thành kiệt tác và có ảnh hưởng sâu rộng đến các họa sĩ sau này.
Bức tranh "Lời phán xét cuối cùng" ở Nhà nguyện Sixtine (Sưu tầm)
Khi khách du lịch đến thăm thánh đường Saint-Pierre, mỗi người sẽ có dịp ngắm nhìn mái vòm của tòa thánh do Michel-Ange thiết kế, công trình kiến trúc này đã được người Pháp học theo để xây dựng điện Invalide ở Paris, nơi yên nghỉ của Napoléon. Người Mỹ cũng học theo lối kiến trúc của Michel-Ange khi thiết kế xây dựng Thượng viện và Hạ viện trên đồi Capitol.
Mái vòm thánh đường Saint-Pierre (Sưu tầm)
Nước Ý sẽ phải biết ơn rất nhiều những người con thiên tài của mình như Léonard de Vinci, Michel-Ange, Raphael, Giorgio Vasari... nhờ có họ mà văn hóa Ý được truyền bá khắp châu Âu, nhờ có những đóng góp của họ mà mỗi năm có 73 triệu khách du lich đi thăm nước Ý.
Các bạn thân mến, trong hành trình tuyến xanh của GoEuGo Vietnam, tôi rất sẵn lòng đưa các bạn đi thăm quan, khám phá lịch sử, văn hóa Ý.